Lịch sử hình thành và phát triển bệnh viện đa khoa huyện Mường La

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN MƯỜNG LA


          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện lời hiệu triệu của Hồ Chủ Tịch "Không có gì quý hơn độc lập tự do" tất cả cho kháng chiến và chiến thắng. Đã có hàng ngàn thầy thuốc tạm gác công trình nghiên cứu khoa học của mình, xa gia đình, chia ly với người thân vượt trường sơn đi cứu nước chăm lo sức khoẻ cho quân và dân tại các chiến trường. Với sự nhiệt huyết cách mạng, tình thương yêu đồng đội với tinh thần trách nhiệm cao đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã góp phần hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh và chết do bệnh tật gây ra, nâng cao sức khoẻ và tăng cường sức chiến đấu cho quân đội tại các chiến trường, góp phần vào chiến công của quân và dân ta trong việc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với lịch sử phát triển của ngành y tế Sơn La nói chung và sự nghiệp phát triển y tế Mường La trong những năm qua:

          Ngành y tế Sơn La cũng trải qua 64 năm phấn đấu gian khổ và từng bước vươn lên đó là một chặng đường đầy gian nan và thử thách nhưng cũng rất đáng tự hào "Phấn đấu trong khó khăn gian khổ", trưởng thành sự nghiệp đổi mới, ngành y tế Sơn La cũng đã được hình thành qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ khu tự  trị Thái Mèo - Khu tự trị Tây Bắc - tỉnh Sơn La, dưới sự chỉ đạo của ban hành chính Tỉnh, phong trào Y Tế Sơn La từng bước được mở rộng trong khắp toàn Tỉnh.

          Đồng thời phong trào Y tế Mường La cũng được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Y tế Sơn La, đầu tiên phòng Y tế tại huyện Mường La cũ (Tức là bệnh viện Điều dưỡng hiện nay). Với nhiệm vụ chính trị được giao: Chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng tả ngạn và hữu ngạn Sông Đà.

Do địa bàn hoạt động và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân khoảng năm 1960 Phòng Y tế được tách một bộ phận y tế chuyển vào xã Chiềng sàng (tức là xã Nặm Păm hiện nay) đầu tiên đặt ở vị trí Nong Heo sau đó được chuyển dần xuống khe suối cạn Chiềng Tè, với đội ngũ cán bộ mỏng với trình độ y học còn hạn chế, với nhà tranh vách lá và 20 giường bệnh, hàng ngày nhân viên y tế vẫn thu dung điều trị, bước đầu đã giải toả được tâm lý trong nhân dân. Trước đó ốm đau bà con còn cho rằng ma quỷ về nhập hồn, rừng thiêng nước độc, uống nước lã gây ra những cơn sốt rét rừng...

          Tại đây do điều kiện vị trí không phù hợp phân viện được chuyển vị trí này từ cuối năm 1975 vào tháng 11/1979 cùng với huyện, Phòng y tế huyện Mường La được chuyển về vị trí này cho đến ngày hôm nay.

          Bước đầu do công tác điều kiện cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn, bệnh viện - Phòng Y tế được xây dựng trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân đóng góp nguyên vật liệu, đã dựng lên những ngôi nhà làm việc, điều trị đơn sơ vách nứa, đối với cán bộ đội ngũ chuyên môn trình độ chỉ dừng lại ở sơ, trung cấp, nhiều thầy thuốc trình độ văn hoá chưa hết cấp 2, trang thiết bị y tế nghèo nàn, cũ kỹ, với 50 gường bệnh, lúc này tình hình bệnh tật thường xuyên sảy ra ở hầu hết các xã như: Sốt rét, lỵ, thương hàn.

          Hệ thống cơ sở y tế chưa được kiện toàn, công tác vệ sinh phòng bệnh chưa tự giác, trình độ dân trí thấp, tệ nạn mê tín dị đoan, ma chay, cúng bái còn phổ biến ở các xã vùng sâu, vùng xa.

          Trước tình hình đó với sự quan tâm của tỉnh,  Sở y tế điều động cán bộ có trình độ chuyên môn cùng với sự nỗ lực đào tạo cán bộ y tế tại chỗ. Với sự quan tâm đặc biệt của Huyện uỷ, UBND huyện phong trào y tế của huyện nhà từng bước củng cố phát triển. Được nhân dân các dân tộc tin tưởng, khi ốm đau có thầy, có thuốc, có tinh thần thái độ phục vụ, chất lượng chẩn đoán ngày một nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn được củng cố mở rộng trung tâm y tế từ 50 giường bệnh lên 70 giường bệnh, từ ngôi nhà tranh tre vách nứa nắng thì hắt, mưa thì dột. Nay đã được thay thế bằng ngôi nhà xây dựng kiên cố khang trang, cơ sở hạ tầng đã được tiếp tục thi công dần dần. Trang thiết bị phục vụ chuyên môn đã được từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc điều trị bệnh nhân ngày một được cải thiện, đem lại hiệu quả cao.

Năm 2006, Bệnh viện đa khoa huyện tái thành lập trên cơ sở chia tách từ Trung tâm y tế huyện, với chức năng, nhiệm vụ mới của bệnh viện đa khoa tuyến huyện theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La. Biên chế lúc này vẫn là 70 giường bệnh với gần 100 cán bộ, chia thành 10 Khoa, 2 Phòng chức năng, 2 Phòng khám đa khoa khu vực do Bác sỹ Nguyễn Quốc Lâm làm Giám đốc bệnh viện, Bác sỹ Mai Thúy Hà làm phó giám đốc.

Đặc biệt năm 2017 Bác sỹ chuyên khoa I Đèo Thị Nhung là Giám đốc Bệnh viện đã phát triển vượt bậc với 16 khoa, phòng,  tổng số 94 công chức, viên chức, 34 người có trình độ từ đại học trở lên, trong đó 23 Bác sỹ với 5 Bác sỹ chuyên khoa I, có 21 cán bộ đang học nâng cao chuyên môn bậc đại học và sau đại học.  Bệnh viện bước vào thực hiện tự chủ chi thường xuyên, để đảm bảo duy trì hoạt động công tác khám, chữa bệnh và mọi hoạt động được duy trì và phát triển tốt. Bệnh viện đã chú trọng việc tiến hành các hoạt động cải tiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi hành vi, tinh thần thái độ đối với người bệnh và người nhà người bệnh. Mở thêm các bốc khám chuyên khoa (bốc khám nhi, bốc khám ngoại, liên khoa RHM – TMH – Mắt, khám nội tiết) để giảm thời gian chờ khám tại khoa khám bệnh. Giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân khi đến khám: Thời gian chờ đợi khám của một bệnh nhân năm 2017 là từ 105-110 phút, năm 2018 thời gian chờ khám của một bệnh nhân 78 phút giảm được 32 phút, năm 2019 thời gian chờ khám của một bệnh nhân còn 55 phút, giảm được 23 phút so với năm 2018, lý do giảm là do phát huy tổ chăm sóc khách hàng hướng dẫn bệnh nhân từ bước bắt đầu đăng ký số khám cho tới các khâu khám và làm các cận lâm sàng đến kê đơn và phát thuốc đối với bệnh nhân ngoại trú còn bệnh nhân điều trị nội trú thì được hướng dẫn đưa vào tận khoa.

 Căn cứ Quyết số 04/2013/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc quy định hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đơn vị đã thực hiện chi hỗ trợ đầy đủ cho đối tượng được hưởng theo quy định, tuy nhiên nguồn kinh phí cấp cho đơn vị không kịp thời nên đơn vị đã tổ chức nấu ăn cho bệnh nhân nghèo. Số lượng cán bộ và nhân dân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng lên thể hiện uy tín của đơn vị ngày càng được khẳng định; Công suất sử dụng giường bệnh hàng năm luôn đạt trung bình 150%; Kết quả kiểm tra hàng năm đều xếp loại khá trở lên;  Bệnh viện còn là cơ sở thực tập đào tạo chuyên môn y tế, dược của Trường Cao Đẳng  Y tế Sơn La; cán bộ y tế không vi phạm 12 điều y đức đến mức độ phải xử lý kỷ luật; Đội ngũ cán bộ không ngừng được kiện toàn, bổ sung;

Bệnh viện đa khoa huyện Mường La có được những thành tích trong quá trình xây dựng và phát triến trên đây có vai trò hết sức quan trọng của tổ chức cơ sở Đảng và các Đảng viên của đơn vị. Cấp uỷ đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo đơn vị, cán bộ đảng viên là nòng cốt của việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng trong mọi hoạt động. Đội ngũ Đảng viên ngày càng được tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến, rèn luyện tư tưởng chính trị vững vàng áp dụng vào thực tế hoạt động của đơn vị. Từ chỗ chỉ có 1 Đảng viên duy nhất khi mới thành lập và phải sinh hoạt ghép, đến nay đã phát triển thành chi bộ và 37 Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Công tác giáo dục, phát triển đảng cũng được quan tâm của Chi bộ, thể hiện bằng số lượng đoàn  viên ưu tú đã và đang là đối tượng đảng đang sinh hoạt tại các tổ đảng. Công tác kiểm tra đảng được triển khai nghiêm túc đã góp phần ngăn ngừa sai phạm trong đảng viên và tổ chức đảng. Tất cả các hoạt động đó đã góp phần xây dựng Chi bộ đi lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao, hàng năm Chi bộ được đánh giá là chi bộ trong sạch vững mạnh.

Tổ chức Công đoàn của bệnh viện không ngừng lớn mạnh qua các thời kỳ do Cà Văn Phúc, Mai Thúy Hà, Quàng Thị Thoa làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở; tổ chức Công đoàn luôn sát cánh với cán bộ, giáo dục, bảo vệ quyền lợi cán bộ ngành y tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập bệnh viện, tổ công đoàn đã là người bạn không thể thiếu của cán bộ trong đơn vị. Các phong trào hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ.... đã cuốn hút được đông đảo cán bộ, xua đi những vất vả, mệt nhọc sau công việc cứu chữa người bệnh đầy căng thẳng. Đội bóng chuyền Y thể đã vang bóng một thời trong phong trào thể thao của huyện; với những cầu thủ làm mưa, làm gió trong những giải của huyện. Đội văn nghệ xung kích của bệnh viện đã đoạt được nhiều giải qua các hội thi nghệ thuật quần chúng của huyện, của ngành hàng năm; Ban nữ công có nhiều tích cực trong bảo vệ quyền lợi, bình đẳng phụ nữ trong đơn vị; Tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú, sôi nổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho chị em tham gia các hoạt động xã hội, tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Ban Thanh tra nhân dân được thành lập và hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ đã góp phần thực hiện tốt việc Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tạo được không khí tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với các hoạt động của đơn vị trong cán bộ công chức. Đội ngũ đoàn viên công đoàn được liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, giai đoạn là Trung tâm y tế  huyện lên tới gần 200 công đoàn viên, đến nay 94 công đoàn viên. Thành tích hoạt động chung của công đoàn đã được Liên đoàn lao động huyện, công đoàn ngành y tế đánh giá qua kiểm tra hoạt động công đoàn hàng năm và thể hiện bằng các danh hiệu thi đua được trao cho nhiều cá nhân và tập thể điển hình trong đơn vị trong những năm qua.

Chi đoàn Thanh niên cũng không ngừng phát triển qua các thời kỳ do Quàng Thị Thoa, Đèo Thị Nhung, Phạm Minh Ngọc, Lò Thị Hà làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên qua các thời kỳ; Chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị được thành lập sau khi thành lập bệnh viện. Với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, các đoàn viên đã có rất nhiều cố gắng để đưa tổ chức này thành cánh tay đắc lực cho cấp uỷ đảng của đơn vị. mọi công việc nặng nhọc, khó khăn đều có sự góp sức của tổ chức đoàn; Từ xây dựng lán trại, đào hầm tránh máy bay, vận chuyển thương bệnh binh... thời chiến đến chống dịch sốt rét, thương hàn, phòng chống bão lũ, trực cấp cứu người bệnh... ở thời bình đều có bàn tay, sức lực của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị. Lực lượng và tổ chức tuy có những thay đổi về quy mô qua các thời kỳ theo các thay đổi mô hình cơ cấu của đơn vị nhưng tựu chung lại vẫn là nòng cốt trong các hoạt động, phong trào và là nhân tố không thể thiếu được trong những thành tích đã đạt được trong suốt thời gian hơn 64 năm xây dựng và phát triển của đơn vị; hiện tại chi đoàn thanh niên có hơn 56 đoàn viên thanh niên hoạt động tích cực trong các phong trào thanh niên.

Đội tự vệ của đơn vị được thành lập từ những ngày đầu thành lập bệnh viện. Khởi đầu là tổ 3 người với nhiệm vụ phòng gian, phòng hoả; Nòng cốt là các cán bộ trẻ, khoẻ và có phẩm chất đạo đức tốt. Từ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ được tăng cường, bổ sung thành 1 tiểu đội bán vũ trang. Lực lượng này ngoài nhiệm vụ chuyên môn chung còn tham gia thường trực sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xẩy ra. Trải qua năm tháng phát triển của đơn vị, đội tự vệ đã có rất nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được giao: Tổ chức phòng gian, phòng hoả, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong cơ quan, tham gia phòng chống bão lũ, cháy rừng; Tham gia huấn luyện Dân quân tự vệ thường xuyên hàng năm, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, phòng cháy chữa cháy.... Trong tất cả các hoạt động đều hoàn thành nhiệm vụ được giao,  nhiều cá nhân, tập thể đã được khen thưởng về thành tích đạt được. Tiểu đội trưởng tự vệ qua các thời kỳ là: Quàng Văn Ùi,Tòng Văn Chao, Lường Văn Chung; hiện tại Bệnh viện có 1 tiểu đội tự vệ với quân số 10 chiến sỹ.

Nhìn lại chặng đường hơn 64 năm xây dựng và phát triển của Bệnh viện đa khoa huyện Mường La mới thấy được những khó khăn cũng như những cố gắng, thành tích của nhiều thế hệ cán bộ y tế  không phân biệt nam nữ, quê quán, từ nhiều miền quê của đất nước đã công hiến cho sự nghiệp y tế huyện Mường La. Cho dù sự phát triển của đơn vị có lúc thăng, lúc trầm nhưng không thể phủ nhận được công lao của các thế hệ cán bộ đi trước đã đặt những viên gạch móng đầu tiên cho sự thành công trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe  nhân dân của Bệnh viện đa khoa huyện Mường La ngày hôm nay. Đó cũng là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi cán bộ y tế huyện Mường La. Nối tiếp những trang vẻ vang đó, thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa huyện Mường La đã và đang viết tiếp những lời ca về nhiệm vụ, trách nhiệm cũng là niềm vinh dự của người chiến sĩ trên mặt trận chống lại bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ, mang lại hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc huyện Mường La anh hùng./.

 

Gửi bình luận

Họ và tên* Email*
Nội dung*